CHỦ ĐỀ: TRUYỀN THỐNG ANH BỘ ĐỘI CỤ HỒ
CUỐN SÁCH: TRONG GIÔNG GIÓ TRƯỜNG SA
Tháng 12 đã về, những quyển sách viết về người lính đảo lại càng có ý nghĩa lớn lao. Đặc biệt, hình ảnh người chiến sĩ và người dân Trường Sa vượt bao hiểm nguy, kiên cường bám biển được khắc họa khá thành công. Một trong số đó là cuốn sách "Trong giông gió Trường Sa" của các tác giả Duy Khán. Chu Lai, Nguyễn Trí Huân. Phương Đông, Nguyễn Đình Tú, Sương Nguyệt Minh. Các tác giả đều là những người từng trải nghiệm Trường Sa, người ít, người nhiều, nhưng chung một cảm xúc rợn ngợp trước thiên nhiên và cảm phục những người lính vượt mọi khó khăn, gian khổ để bảo vệ vùng biển, vùng trời tổ quốc.
Qua bút ký, độc giả sẽ được đến với một Trường Sa đầy khắc nghiệt. Cái khắc nghiệt của thiên nhiên, thời tiết, cuộc sống thiếu thốn trên đảo. Những cây nước chọc trời, xám ngoét mọc lên giữa biển, những cơn lốc bất ngờ xoáy tròn vào đảo, những cột sóng “vượt qua luôn cả mái nhà cao ba mươi ba mét", những con gió muối phá hủy mọi cây cối, vật liệu, vũ khí... Đó là những thử thách của tự nhiên mà những người lính đảo luôn phải đối diện mỗi ngày. Và đối lập với những khó khăn đó là những cảnh đẹp hiếm gặp chỉ có ở Trường Sa, những phút giây thú vị trong cuộc sống của những chàng lính đảo. Chúng ta sẽ được trải nghiệm một chuyến đi Trường Sa từ khi bước lên tàu, trải qua những khó khăn trên tàu, cho tới khi lên được đến đảo, được thăm cuộc sống và sinh hoạt của các chiến sĩ trên đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn…
Trong giông gió Trường Sa cũng sẽ cho thấy nỗi khắc nghiệt lớn nhất là sự cô đơn của lòng người. Trong "Hoàng hôn màu lá mạ", nhà văn Chu Lai nhìn thấu tâm sự của chàng lính trẻ: "Cái sợ nhất ở đảo là sự cô đơn anh ạ. Nhìn mãi ra biển nên đâm sợ màu xanh. Mỗi khi thủy triều rút, đầu óc thần kinh mình như bị rút theo, sa sầm cả mặt mày”, hay mong ước của những người lính đảo “Giá bây giờ có một giọng à ơi phụ nữ, một tiếng trẻ khóc u oa thì dễ chịu biết bao”. Tuy nhiên, đối lập với những khó khăn, là những cảnh đẹp hiếm gặp chỉ có ở Trường Sa và những khoảnh khắc chan chứa tình anh em, đồng đội. Độc giả sẽ nhận ra rằng, cuộc sống chiến đấu trên đảo còn muôn vàn khó khăn, nhưng vì từng tấc đất, vùng trời, vùng biển Tổ quốc, các chiến sĩ vẫn vượt qua mọi khó khăn, gắn bó với Trường Sa, “coi đảo là nhà, là sự nghiệp của mình”. Qua đây chúng ta mới thấu hiểu được nỗi vất vả của các chú bộ đội ngày đêm bám biển để bảo vệ tổ quốc thân yêu của cúng ta. Để đền đáp công ơn to lớn của các chú bộ đội chúng ta cùng cố gắng học giỏi xứng đáng làm chủ quê hương đất nước.
Một số hình ảnh trong buổi giới thiệu sách.