Bước vào độ tuổi tiểu học (6 - 11 tuổi), là thời điểm cực kỳ quan trọng và mới mẻ trong cuộc đời trẻ: Tâm lý trẻ trải qua nhiều sự thay đổi, và có sự nhảy vọt không chỉ về thể chất, mà còn về suy nghĩ, nhận thức, cũng như các mối quan hệ xã hội. Trẻ bắt đầu rời khỏi ngôi nhà mầm non ấm áp, việc nhìn nhận bản thân là “cái rốn vũ trụ”, chuyển sang chấp nhận bản thân là một thành viên trong tập thể, được diễn ra trong suốt giai đoạn phát triển này. Chính vì vậy mà các ba mẹ cần đặc biệt quan tâm đến đặc điểm tâm lý của trẻ trong giai đoạn này.
Trong sáu năm đầu tiên của cuộc đời, các bé tìm hiểu môi trường xung quanh qua bản năng và các giác quan của mình. Ở giai đoạn tiếp theo, từ 6 - 11 tuổi trẻ sẽ tiếp cận thế giới thông qua cả lý trí và suy nghĩ. Do đó, đây là độ tuổi của những câu hỏi, trẻ có vô số câu hỏi đặt ra cho người lớn và cần câu trả lời hợp lý, không lấp liếm hay qua loa. Đây cũng là giai đoạn khiến nhiều cha mẹ khó nắm bắt và thấu hiểu được những suy nghĩ, cảm xúc của trẻ.
Giai đoạn này cũng vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển thể chất, trí tuệ và hình thành nhân cách của trẻ. Mặt khác, đời sống xúc cảm, tình cảm của các bé cũng khá phong phú, đa dạng và cơ bản là mang trạng thái tích cực. Các bé bỡ ngỡ, lạ lẫm nhưng cũng nhanh chóng bắt nhịp làm quen với bạn mới, bạn cùng lớp. Trẻ tự hào vì được gia nhập Đội, hãnh diện vì được cha mẹ, thầy cô đánh giá cao hay giao cho những công việc cụ thể, trẻ đã biết điều khiển tâm trạng của mình, thậm chí còn biết che giấu khi cần thiết.
Tuy nhiên, việc ngồi suốt cả một giờ học mà buộc trẻ phải tuân thủ việc chú ý nghe cô giảng bài, không được giao lưu nói chuyện với các bạn hay có những hành động nghịch ngợm… quả là điều vô cùng khó đối với trẻ. Điều này đã dẫn tới tình trạng trẻ học mất tập trung, học xong lại quên ngày, ngồi học vài giờ đồng hồ cũng không đọng lại điều gì, đó là tình trạng vô cùng phổ biến hiện nay của trẻ. Vậy ba mẹ phải làm gì để cho con phát triển một cách toàn diện nhất cả về thể chất lẫn tư duy mà còn giúp trẻ có sự tập trung cao, không lo sợ bài vở.
Thông thường khi dạy trẻ, người lớn thường có bốn cách biểu hiện, đó là
độc tài, ngược đãi, nuông chiều và yêu thương. Độc tài là khi bạn nhất định bắt buộc con trẻ phải làm theo ý mình mà không giải thích hay thuyết phục trẻ khi gặp sự phản kháng. Nuông chiều lại là cách biểu hiện thái quá của lòng thương con, răm rắp làm theo yêu cầu của con và dung túng cho trẻ khi chúng làm điều sai trái. Cả ba trạng thái này đều là trạng thái tiêu cực và thiếu lành mạnh. Ngược đãi là dùng bạo lực thể chất hay bạo lực ngôn ngữ đối với những sai phạm của trẻ, thậm chí ngay cả khi trẻ không có lỗi mà chỉ do người lớn “giận cá chém thớt”. Vậy thì bạn phải làm sao với đặc điểm tâm lý của học sinh tiểu học?
Hãy nhớ! Ba mẹ đừng nghiêm túc và khô khan quá, nên học cách mở chuyện hỏi han các bé bằng ngôn ngữ và cách thức của chính các con. Khi cảm nhận được bầu không khí thoải mái, các con mới dễ bộc lộ những tâm sự, những suy nghĩ của mình mà không hề e dè, giấu giếm, sợ người lớn la rầy, quy tội và chế giễu. Hơn thế nữa, việc khuyến khích các em tham gia vào những chương trình vui chơi, thi thố ngoài trường học cũng có thể cung cấp một môi trường khác biệt. Tại môi trường đó, trẻ có thể học hỏi thêm về bản thân và thế giới xung quanh, giúp các con khám phá cơ hội tạo nên phiên bản thành công riêng của bản thân. Đó chính là cách yêu thương con trẻ và cùng trẻ vượt qua các cung bậc cảm xúc của tâm lý lứa tuổi.
Khi đã hiểu được những đặc điểm tâm lý của trẻ tiểu học, cha mẹ hay thầy cô giáo tuyệt đối không được nóng vội. Nên dùng sự kiên nhẫn, tình yêu thương và những lời lẽ dạy bảo nhẹ nhàng, hợp tình hợp lý để hướng trẻ định hình nhân cách tốt đẹp.
Cách tốt nhất là cha mẹ nên dùng tình yêu thương, sự kiên nhẫn và cách dạy bảo nhẹ nhàng, phù hợp để giúp trẻ hoàn thiện nhân cách tốt. Đó chính là cách yêu thương con trẻ và cùng trẻ vượt qua các cung bậc cảm xúc của tâm lý lứa tuổi.