Để hướng tới đích “Trường
học hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc - Thầy cô hạnh phúc”, chúng tôi đã bắt đầu bằng
những “Tiết học hạnh phúc”. Tiết học hạnh phúc là tiết học khiến cả cô và trò đều
có cảm giác hứng thú, có niềm vui, sự mong chờ và những rung cảm. Khác với tiết
học truyền thống, tiết học hạnh phúc không áp đặt phát triển theo khuôn mẫu mà
đóng vai trò định hướng để học sinh được làm những gì mình yêu thích và say mê.
Theo đó, giáo viên - GV chúng tôi đã thay đổi, lắng nghe học trò và chuyển hóa
cảm xúc tiêu cực để mang đến những tiết học hạnh phúc.
Trước hết, muốn đem lại hạnh
phúc cho học sinh cần giảm áp lực, tạo hứng thú cho các em trong học tập. Đặc
biệt, giáo viên cần tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ với trò. Bên cạnh đó mỗi
người GV cần phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ và khả năng ứng dụng
công nghệ thông tin vào dạy học; sử dụng các phần mềm tin học để thiết kế bài
giảng. Kết hợp các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, có phương pháp dạy học hiệu
quả, tạo hứng thú, lôi cuốn người đọc, giúp học sinh có những tiết học thú vị,
hiệu quả, nắm bắt và ghi nhớ nhanh kiến thức tại lớp. Một lớp học hạnh phúc được
xây dựng chủ yếu dựa trên các mối quan hệ tích cực. Bởi vậy, trong mỗi giờ học,
tôi đã mạnh dạn thực hiện những việc làm tích cực.
Bắt đầu vào tiết học, tôi
cho học sinh khởi động bằng một số việc làm đơn giản như vài động tác thể dục,
một bài hát hoặc 1 vài câu đố vui…để kích thích những cảm xúc tích cực trong học
sinh, từ đó các con thu nhận kiến thức dễ dàng hơn.
Trò chơi là một phần
không thể thiếu trong mỗi tiết học, đặc biệt với lứa tuổi trẻ tiểu học. Trò
chơi khởi động, trò chơi củng cố hay trò chơi giữa giờ đều giúp các em cảm thấy
thoải mái, từ đó phấn khích, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động tiếp theo. Chẳng
hạn, trong các tiết dạy tôi lồng ghép một số trò chơi như sau: Trò chơi Truyền
điện, trò chơi Nhanh tay, nhanh mắt, trò chơi Nhà nghiên cứu trẻ tuổi,…
Thông qua trò chơi, tôi
nhận ra rằng học sinh sẽ hứng thú hơn trong việc tìm hiểu kiến thức, các con được
thảo luận, hợp tác, dần dần tìm được tiếng nói chung. Giáo viên lúc này sẽ là
người quan sát, tư vấn, kiểm định kết quả và hoàn thiện câu trả lời.
Giáo viên giáo dục học
sinh bằng phương pháp kỉ luật tích cực, nói không với xâm phạm thân thể và xúc
phạm nhân phẩm của học sinh. Tôi đã sử dụng các hình thức theo tôi là tích cực
như: vệ sinh trường lớp, giúp đỡ bạn học yếu hơn, đọc sách, làm bài tập, luyện
chữ...
Cuối cùng, đối với hoạt động
nhóm, chúng tôi thường yêu cầu học sinh ghi lại kết quả thảo luận bằng nhiều
hình thức khác nhau như: Sơ đồ tư duy, hình vẽ, tranh ảnh, viết ý, kết hợp với
phần hỏi đáp, bổ sung giữa các nhóm học nên các em rất hào hứng và thỏa sức
sáng tạo.
Lớp học hạnh phúc không
chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là môi trường giúp học sinh phát triển
toàn diện. Mọi hoạt động trong lớp đều được thiết kế sao cho học sinh có thể
phát huy hết tiềm năng, tự tin thể hiện bản thân và cảm thấy hạnh phúc khi đến
lớp mỗi ngày. Khi các em cảm nhận được niềm vui từ việc học và sự yêu thương từ
thầy cô, bạn bè, lớp học sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống
học đường hạnh phúc.