Là một giáo viên
tiểu học, tôi luôn trăn trở làm thế nào để mỗi tiết học không chỉ truyền đạt kiến
thức mà còn khơi gợi ở học sinh những giá trị sống tốt đẹp. Vậy nên, tôi đã thực
hiện tiết dạy chuyên đề môn Đạo đức lớp 4: “Tôn trọng tài sản”
tại lớp 4A5 của mình. Đây không chỉ là cơ hội để tôi truyền đạt bài học ý nghĩa
mà còn là dịp để học sinh được trải nghiệm, thực hành và chia sẻ những suy
nghĩ, cảm xúc chân thật về việc giữ gìn và bảo vệ tài sản.
Để chuẩn bị cho tiết học, tôi xây dựng các hoạt động đa dạng
như thảo luận nhóm, đóng vai và chia sẻ tình huống thực tế.
Mở đầu bằng một trò chơi nhỏ, tôi dẫn dắt học sinh vào bài học một cách nhẹ
nhàng, tạo sự hứng thú và hào hứng cho các em.
Trong tiết học, các em được thảo luận, xử lý các tình huống
như: “Làm gì khi nhặt được đồ của bạn?” hay “Cách xin lỗi khi làm
hỏng đồ dùng chung, ….” Qua hoạt động đóng vai, nhiều em thể hiện rất tốt
những hành động đẹp như trả lại đồ nhặt được hay nhắc nhở bạn bè giữ gìn bàn
ghế. Những chia sẻ chân thành từ các em khiến tôi rất xúc động và tự hào.
Kết
thúc tiết học, tôi dành thời gian tổng kết và gửi đến các em thông điệp ý
nghĩa: “Tôn trọng tài sản là thể hiện sự trung thực, trách nhiệm và văn minh
của mỗi người. Giữ gìn tài sản không chỉ là bảo vệ đồ vật mà còn là bảo vệ
chính lòng tự trọng của mình.” Tôi cũng động viên các em mang bài học này
áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, từ việc nhỏ nhất như giữ gìn đồ dùng học tập,
không làm hư hỏng bàn ghế hay cây xanh trong trường học.
Là một giáo viên,
tôi hiểu rằng giáo dục đạo đức không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Tiết
học chuyên đề “Tôn trọng tài sản” chỉ là một bước đi nhỏ trên con đường hình
thành nhân cách và ý thức cho học sinh. Nhưng tôi tin, với sự kiên trì và tâm
huyết, mỗi bài học sẽ gieo vào lòng các em những hạt giống tốt đẹp, để mai này
chúng lớn lên sẽ trở thành những công dân có trách nhiệm, sống đẹp và sống có
ích cho xã hội.