Hiện nay, ô nhiễm chất thải nhựa, rác thải khó phân hủy, túi ni lông đang là mối quan tâm lớn của toàn nhân loại. Túi nilon đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.
Tác hại nguy hiểm nhất của túi nilon tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi nilon nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.
Nếu túi nilon bị vứt xuống ao, hồ, sông ngòi sẽ làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ứ đọng nước thải và ngập úng dẫn đến sản sinh ra nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nghiêm trọng hơn, môi trường đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Thực tế nhiều loại túi nilon được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, còn đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch,…
Để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon người dân nên sử dụng các loại túi đựng hàng thân thiện với môi trường như: Túi giấy, túi vải, túi dệt từ sợi ni lông sử dụng nhiều lần, túi ni lông tự huỷ, phân hủy sinh học và sử dụng mô hình 3R quản lý chất thải rắn theo mô hình 3R “Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế” nhằm giảm sử dụng túi ni lông mà còn tăng cường tái sử dụng và tái chế túi ni lông.
Đối với các nhà phân phối, nhà bán lẻ cần phải cam kết thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan quản lý môi trường như: Cung cấp cho khách hàng các phương thức đựng hàng thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông, tuyên truyền nâng cao ý thức nhân viên và khách hàng về việc giảm sử dụng, tái sử dụng và tái chế túi ni lông (loại dùng một lần), tập huấn nhân viên trực quầy các giải pháp giảm phát túi ni lông, tổ chức thu hồi túi ni lông để tái chế.Toàn dân tích cực hạn chế việc sử dụng túi ni lông khó tự phân hủy, thay thế bằng các sản phẩm túi thân thiện với môi trường đã góp phần làm cho môi trường giảm đi được rất nhiều ô nhiễm. Hãy bảo vệ môi trường bằng chính hành động: HAY NÓI KHÔNG VỚI TÚI NI LON.