Kính thưa các thầy cô giáo, thưa toàn thể các em học sinh!
Hàng năm có rất nhiều tai nạn đuối nước xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng. Đặc biệt tỉ lệ tử vong do đuối nước ở lứa tuổi trẻ em là phổ biến nhất. Vậy nguyên nhân là do đâu?
1. Nguyên nhân gây đuối nước:
- Với người lớn, đa phần do bản tính hiếu động, tò mò. Còn đối với trẻ nhỏ, lại do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình.
- Do môi trường sống cạnh ao, hồ, sông biển chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm.
- Do tai nạn vô tình những người không biết bơi ngã xuống nước, lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi…
2. Vậy chúng ta cần làm gì để tránh nạn đuối nước?
- Thứ nhất, hãy tránh xa dòng nước khúc sông sâu, những dòng nước xoáy, những ao, hồ, sông, suối, đầm nước... Đặc biệt, các em không nên rủ nhau đi tắm ở ao, hồ, sông, ngòi... trong khi không biết bơi mà không có người lớn và phao cứu sinh bên cạnh mình.
- Thứ hai, trước khi xuống nước có một số việc các em cần tuân thủ để đảm bảo an toàn:
* Khởi động làm nóng cơ thể:
Tại sao bạn cần khởi động trước khi bơi?
Ví dụ như: Khi bạn muốn đi xe máy thì bạn cần phải khởi động động cơ thì bạn mới có thể đi được. Vậy, khởi động trước khi bơi sẽ giúp:
- Cơ thể của chúng ta nóng lên, để thích nghi với một hoạt động sắp diễn ra trong cơ thể, khi khởi động thì các hoạt dịch ở các ổ xương khớp sẽ được tiết ra giúp cho xương khớp được bôi trơn, hoạt động sẽ được linh hoạt hơn và giảm được các nguy cơ chấn thương không mong muốn. Mỗi buổi đi bơi chúng ta chỉ cần bỏ ra từ 7p – 10p để chúng ta thực hiện phần khởi động như vậy là xong rồi.
- Chống bị bong gân: Việc vận động mạnh trong nước như quẫy đạp nước đột ngột có thể làm tổn thương dây chằng và gân ở chân. Vì vậy việc khởi động trước khi bơi sẽ chống lại những sang chấn do cử động mạnh gây ra.
- Chống chuột rút: Chuột rút không phải là tình trạng hiếm gặp trong bơi, khi đang bơi mà bị chuột rút nếu không có người bên cạnh sẽ rất nguy hiểm. Sự cố này là do cơ.
* Mặc áo phao đúng cách
- Với đối tượng sử dụng là người lớn: Khi lựa chọn áo phao thì kích thước vòng ngực sẽ quyết định về size áo phao vừa vặn với cơ thể.
- Với đối tượng sử dụng là trẻ em: Cân nặng sẽ quyết định kích cỡ size áo phù hợp cho các bé.
- Kích thước size áo phao bơi cứu sinh vô cùng đa dạng và tùy vào từng mẫu mã, nhãn hiệu bạn sẽ lựa chọn được chiếc áo phao phù hợp.
- Một chiếc áo phao phù hợp phải đảm bảo an toàn nên vừa khít với người dùng và tạo cảm giác thoải mái di chuyển, không bị bung bật và các dây đai xung quanh áo dễ dàng tùy chỉnh phù hợp với cơ thể.
Khi bạn đã chọn được cho mình một chiếc áo phao phù hợp thì hãy thực hiện 5 bước mặc áo phao bơi đơn giản, đúng cách dưới đây nhé:
Bước 1: Kiểm tra tổng thể áo phao, nới lỏng dây đai xung quanh áo
Bước 2: Thực hiện mặc áo phao vào người
Bước 3: Cài các khoá lại sao cho chắc chắn và điều chỉnh thắt chặt dây đai cho áo ôm sát cơ thể chắc chắn, thoải mái nhất.
Bước 4: Ở phần dưới áo phao bơi sẽ có dây để xỏ chân vào, đây là bước rất nhiều người đã bỏ qua nó. Họ không biết rằng, khi xuống nước áo phao có thể sẽ bị giật ngược lên cổ, gây cản trở các hoạt động khi bơi của bạn.
Bước 5: Kiểm tra lần cuối cho chắc chắn rằng bạn đã mặc áo phao bơi đúng cách và các khóa bấm, dây đai sẽ không bị bung bật khi xuống nước.
3. Xử lí khi gặp tai nạn đuối nước:
- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dài, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên…
- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngừng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
+ Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.
- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở vẫn có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước.
4. Phòng tránh tai nạn đuối nước:
- Không được phép bơi khi chưa xin phép bố mẹ.
- Không chơi ở những nơi gần sông, hồ, sông suối khi không có người lớn đi cùng.
* Những nguyên tắc an toàn khi bơi:
+ Không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn
+ Không tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy xiết, xoáy và không có người lớn biết bơi & cứu đuối.
+ Không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa.
+ Tuyệt đối tuân theo các bảng chỉ dẫn nguy hiểm.
+ Phải khởi động trước khi xuống nước.
+ Không ăn uống khi đang bơi để tránh sặc nước.
+ Không dùng các phao bơm hơi.
+ Không đi tắm bơi lội ở ao hồ một mình mà không có người lớn biết bơi đi, kèm.
+ Cần thực hiện nghiêm túc về an toàn giao thông đường thủy như: An toàn về phương tiện, có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, chở đúng số người quy định.
Qua bài tuyên truyền này, hy vọng các em học sinh biết cách phòng tránh tai nạn đuối nước. Ngoài ra bạn nào chưa tham gia khóa học bơi thì có thể xin bố mẹ cho đăng ký học mùa hè này càng sớm càng tốt.
Để cho các em có một có kỳ nghỉ hè thực sự vui vẻ, an toàn và bổ ích.